Nếu bạn đang tìm kiếm một phương thức đăng nhập an toàn hơn, không còn phụ thuộc vào mật khẩu truyền thống, thì việc tìm hiểu về chứng nhận FIDO2 chính là bước khởi đầu quan trọng. Hãy cùng DigiBit khám phá những điều cơ bản về FIDO2 và lý do tại sao nó lại được xem là tiêu chuẩn xác thực của tương lai! FIDO2 cũng là nền tảng cốt lõi cho các giải pháp Passkeys đang được Apple, Google và Microsoft triển khai rộng rãi – điều này càng khẳng định vai trò “then chốt” của nó trong xu hướng “no password
Hiểu rõ hơn về chứng nhận FIDO2
Chứng nhận FIDO2 là sự công nhận dành cho các thiết bị hoặc nền tảng xác thực (như khóa bảo mật, trình duyệt, hệ điều hành…) đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo mật của FIDO Alliance. FIDO2 được xem là sự phát triển không cần mật khẩu của tiêu chuẩn FIDO U2F trước đó. Mục tiêu chính của FIDO2 là cung cấp bộ chức năng mở rộng, đáp ứng nhiều kịch bản xác thực hơn, đặc biệt là các phương thức đăng nhập hoàn toàn không cần mật khẩu, mang lại sự tiện lợi và bảo mật cao hơn.
Về mặt kỹ thuật, FIDO2 là sự kết hợp của hai thành phần chính, được World Wide Web Consortium (W3C) và Liên minh FIDO chuẩn hóa:
- WebAuthn (Web Authentication): Đây là một API web tiêu chuẩn của W3C, cho phép các dịch vụ trực tuyến (website) sử dụng xác thực FIDO thông qua các trình duyệt web (như Chrome, Firefox, Edge, Safari). Nó định nghĩa cách trình duyệt tương tác với trình xác thực FIDO.
- CTAP (Client-to-Authenticator Protocol): Đây là giao thức của Liên minh FIDO, cho phép các thiết bị xác thực bên ngoài (như khóa bảo mật FIDO, điện thoại di động) giao tiếp thông tin xác thực với thiết bị của người dùng (máy tính, điện thoại) thông qua các kết nối như USB, NFC, Lightning.
Khi kết hợp, WebAuthn và CTAP cho phép người dùng xác thực danh tính bằng sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt), mã PIN lưu trữ trên thiết bị, hoặc các trình xác thực FIDO bên ngoài (như khóa bảo mật) với máy chủ FIDO2 của trang web/ứng dụng một cách an toàn.
Một điểm quan trọng là chứng nhận FIDO2 được thiết kế để tương thích ngược với các thiết bị FIDO U2F đã được chứng nhận trước đó. Nếu bạn đã có khóa bảo mật U2F, bạn vẫn có thể sử dụng nó cho các dịch vụ hỗ trợ FIDO2 (thường là ở chế độ yếu tố xác thực thứ hai).
Sự khác biệt cốt lõi: Trong khi FIDO U2F chủ yếu hoạt động như một yếu tố xác thực thứ hai mạnh mẽ (bạn vẫn cần mật khẩu ban đầu), FIDO2 hướng đến việc cho phép đăng nhập hoàn toàn không cần mật khẩu, sử dụng trình xác thực FIDO làm phương thức chính.
Tại sao chứng nhận FIDO2 lại quan trọng?
Bản thân chứng nhận FIDO2, đặc biệt là khả năng đăng nhập không cần mật khẩu, mang lại những lợi ích vượt trội so với mật khẩu truyền thống:
Bảo vệ mạnh mẽ
Mỗi tài khoản/dịch vụ trực tuyến sẽ có một cặp khóa mã hóa công khai-riêng tư duy nhất. Khóa riêng tư không bao giờ rời khỏi thiết bị xác thực của người dùng.
Điều này giúp chống lại hiệu quả các cuộc tấn công lừa đảo (phishing), tấn công xen giữa (man-in-the-middle), và giảm thiểu rủi ro bị đánh cắp hàng loạt thông tin đăng nhập ngay cả khi máy chủ dịch vụ bị xâm nhập.
Sự tiện lợi
Người dùng có thể đăng nhập nhanh chóng, dễ dàng bằng các phương thức quen thuộc như chạm vân tay, quét khuôn mặt, nhập mã PIN trên thiết bị hoặc chỉ cần cắm/chạm khóa bảo mật FIDO2. Loại bỏ sự phiền toái khi phải nhớ và nhập mật khẩu phức tạp.
Sự riêng tư cao
Thông tin sinh trắc học (nếu sử dụng) được xử lý và lưu trữ cục bộ trên thiết bị của người dùng, không bao giờ được gửi lên máy chủ.
Các khóa FIDO2 được tạo ra riêng biệt cho từng trang web/dịch vụ, ngăn chặn việc các trang web khác nhau theo dõi hoạt động trực tuyến của người dùng thông qua thông tin xác thực.
Khả năng mở rộng và tương thích
Chứng nhận FIDO2 được hỗ trợ bởi hầu hết các trình duyệt web hiện đại (Chrome, Firefox, Edge, Safari) và các nền tảng hệ điều hành phổ biến (Windows 10/11, macOS, Android, iOS). Điều này cho phép các nhà phát triển và nhà cung cấp dịch vụ dễ dàng triển khai xác thực FIDO2 trên quy mô lớn cho hàng tỷ thiết bị trên toàn cầu. FIDO2 cũng là nền tảng cốt lõi cho các giải pháp Passkeys đang được Apple, Google và Microsoft triển khai rộng rãi – điều này càng khẳng định vai trò “then chốt” của nó trong xu hướng “no password”
Quy trình chứng nhận bảo mật FIDO2 hoạt động như thế nào?
Để đạt được chứng nhận bảo mật FIDO2, các sản phẩm phải trải qua một loạt các bài kiểm tra nghiêm ngặt tại các phòng thí nghiệm độc lập được FIDO Alliance ủy quyền. Quy trình này thường bao gồm:
- Kiểm tra sự tuân thủ: Xác minh sản phẩm thực hiện đúng các chức năng theo đặc tả kỹ thuật FIDO2.
- Kiểm tra khả năng tương tác: Đảm bảo sản phẩm hoạt động thành công với các sản phẩm FIDO2 khác đã được chứng nhận.
- Đánh giá bảo mật: Kiểm tra các cơ chế bảo mật để đảm bảo khả năng chống lại các cuộc tấn công đã biết.
- Chỉ những sản phẩm vượt qua thành công tất cả các bài kiểm tra bắt buộc mới được cấp chứng nhận và được phép sử dụng logo “FIDO Certified”.
Làm thế nào để nhận biết sản phẩm được chứng nhận FIDO2?
Là người dùng, bạn có thể kiểm tra logo FIDO Certified hoặc mô tả sản phẩm trên bao bì, website. Các bạn có thể truy cập trang web chính thức của FIDO Alliance để tra cứu các sản phẩm đã hoàn thành chứng nhận. Ngoài ra, người dùng có thể xem danh sách các công ty có sản phẩm đạt chứng nhận FIDO2 tại đây. Nổi bật trong số đó, khóa bảo mật YubiKey chính là một trong những sản phẩm đi đầu trong việc biến những tiêu chuẩn này thành hiện thực dễ dàng cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp.
FIDO2 và FIDO U2F khác gì nhau
FIDO2 và FIDO U2F đều là các tiêu chuẩn xác thực được phát triển với mục đích tăng cường bảo mật, giảm thiểu sự phụ thuộc vào mật khẩu. Tuy nhiên, FIDO2 là phiên bản phát triển cao hơn của FIDO U2F với nhiều tính năng mở rộng. Nếu như với U2F, người dùng vẫn cần yếu tố xác thực thứ hai với mật khẩu thì chứng nhận FIDO2 cung cấp nhiều cách hơn để đăng nhập mà không cần dùng đến mật khẩu, chẳng hạn như: khuôn mặt, dấu vân tay,….
Chứng nhận FIDO2 đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng lòng tin và đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái xác thực hiện đại, đặc biệt là khi chúng ta hướng tới tương lai không mật khẩu. Nó không chỉ xác nhận sự tuân thủ kỹ thuật mà còn đảm bảo khả năng tương tác và mức độ bảo mật cần thiết.