Hiện nay, các liên kết (hay còn gọi là đường link, đường dẫn) đóng vai trò quan trọng giúp người dùng truy cập vào các dịch vụ, nền tảng một cách nhanh chóng. Do tính phổ biến, những liên kết này cũng tiềm ẩn rủi ro bảo mật và đôi khi khiến người dùng “sa bẫy”, trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công trên không gian mạng. Ngay bây giờ, hãy cùng DigiBit khám phá cách kiểm tra độ an toàn của liên kết mỗi khi truy cập Internet trong bài viết dưới đây nhé!
Mẹo kiểm tra tính an toàn của liên kết
Mặc dù việc kiểm tra độ tin cậy của liên kết nghe có vẻ phiền phức, nhưng đó là một điều cần thiết để bảo vệ bạn khỏi các mối đe dọa trực tuyến. Nhấp vào đường link độc hại có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như nhiễm malware và mất dữ liệu. Hơn nữa, bạn có thể trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến Phishing, gây ra tổn thất tài chính và thông tin cá nhân.
Dưới đây là một số cách để kiểm tra sự an toàn của đường liên kết:
1. Xác minh nguồn gốc của liên kết
Trước khi nhấp vào liên kết, hãy dành chút thời gian để hãy kiểm tra các thông tin sau:
- Người gửi: Có phải từ người bạn biết và tin tưởng không?
- Địa chỉ email hoặc tài khoản: Hãy tìm những điểm khác biệt nhỏ, như lỗi chính tả trong tên miền,…
- Nội dung: Nếu bạn nhận được đường link bất ngờ, chứa các nội dung thúc giục hành động ngay lập tức, hãy hết sức thận trọng.
2. Kiểm tra giao thức https và kết nối bảo mật
Một trang web an toàn sẽ sử dụng “https…” viết tắt của Hyper Text Transfer Protocol Secure (giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật) thay vì http.
Giao thức này mã hóa dữ liệu trao đổi giữa trình duyệt và trang web, khiến tin tặc khó có thể xâm nhập và thay đổi thông tin. Luôn để ý biểu tượng ổ khóa trên thanh địa chỉ và đảm bảo URL bắt đầu bằng “https://…” trước khi nhập bất kỳ thông tin nào.
3. Sử dụng công cụ quét URL
Hiện nay có nhiều công cụ trực tuyến hỗ trợ kiểm tra độ an toàn của đường dẫn trước khi bạn nhấp vào. Những công cụ này sẽ phân tích URL và cung cấp báo cáo về mức độ an toàn của nó.
- Google Safe Browsing: Được tích hợp trong các trình duyệt như Chrome, công cụ này sẽ cảnh báo bạn về những trang web có khả năng gây nguy hiểm.
- Norton Safe Web: Công cụ này đưa ra đánh giá độ an toàn của các trang web dựa trên phản hồi của người dùng và phân tích các mối đe dọa.
4. Kiểm tra nhanh trên iPhone
- Xem trước liên kết trong Safari: iPhone cung cấp tính năng xem trước liên kết trong Safari, cho phép bạn kiểm tra điểm đến của liên kết mà không cần trực tiếp truy cập. Bằng cách nhấn và giữ vào liên kết, một cửa sổ xem trước sẽ xuất hiện, qua đó bạn có thể xác minh URL và đánh giá tính hợp lệ của nó trước khi quyết định mở.
- Công cụ quét trang web trong Safari: Safari tích hợp sẵn công cụ này để cảnh báo người dùng khi họ truy cập các trang web có nguy cơ. Để kích hoạt tính năng này, hãy vào mục Cài đặt > Ứng dụng >Safari > Cảnh báo trang web lừa đảo > Bật.
5. Kiểm tra nhanh trên thiết bị Android
Để bảo vệ thiết bị Android của bạn khỏi các mối đe dọa trực tuyến, việc cập nhật cài đặt bảo mật là rất quan trọng, hãy đảm bảo rằng các tính năng bảo mật như Google Play Protect và Duyệt web an toàn đều đang được kích hoạt.
- Bật tính năng Duyệt web an toàn: Truy cập Cài đặt > Bảo mật và riêng tư > Cài đặt bảo mật khác > bật tính năng Duyệt web an toàn trên Android.
- Bật Google Play Protect: Khi được kích hoạt, Play Protect sẽ tự động quét toàn bộ ứng dụng đã cài đặt trên thiết bị của bạn theo định kỳ. Quá trình này giúp phát hiện và cảnh báo về các phần mềm có dấu hiệu nguy hiểm, thậm chí hỗ trợ gỡ bỏ chúng để đảm bảo an toàn. Mở Google CH Play > nhấn giữ tài khoản của bạn > Play Protect > ấn vài biểu tượng Cài đặt > bật Quét ứng dụng bằng Play Protect và Cải thiện khả năng phát hiện ứng dụng độc hại.
Phải làm gì nếu bạn nhấp vào liên kết độc hại
- Ngắt kết nối Internet ngay lập tức: Bước này sẽ ban đầu ngăn chặn phần mềm độc hại tiếp tục tải xuống hoặc kết nối với tin tặc hay thậm chí lây lan sang các thiết bị khác trong mạng của bạn.
- Quét toàn bộ hệ thống bằng phần mềm diệt virus: Sử dụng phần mềm diệt virus uy tín để phát hiện và loại bỏ bất kỳ phần mềm độc hại nào đã xâm nhập vào thiết bị của bạn.
- Sử dụng khóa bảo mật vật lý: Khóa bảo mật vật lý (như YubiKey) là một lớp bảo vệ tăng cường cho các tài khoản trực tuyến trên các nền tảng và dịch vụ hỗ trợ và giảm thiểu rủi ro khi lỡ nhấp vào liên kết độc hại. Với khả năng chống lại các cuộc tấn công Phishing, thiết bị này đảm bảo rằng ngay cả khi thông tin đăng nhập của bạn bị đánh cắp, hacker vẫn không thể truy cập tài khoản nếu không có khóa vật lý.
Việc chủ động kiểm tra các liên kết trước khi truy cập là một bước quan trọng để bảo vệ bản thân trên không gian mạng. Hy vọng những hướng dẫn này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi tương tác với các đường dẫn trực tuyến.